Ông Võ Quang Tiềm, vốn là một thợ may ở một làng quê tại Huế. Năm 1923, ông khăn gói di cư vào Đà Lạt cùng với nhiều người Huế khác, chính quyền lúc đó đang có chính sách khuyến khích giúp đỡ người nhập cư. Với chiếc bàn máy may và số tiền trợ giúp ban đầu cho cư dân mới, ông không vội nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống mới dễ dàng hơn tại quê hương thứ hai như nhiều người đồng hương, mà cố gắng dành dụm và siêng năng làm việc. Ông nắm bắt cơ hội phát triển ngành nghề mới, tương ứng với số vốn tăng dần. Ban đầu chỉ là một thợ may, rồi trở thành nhà buôn tạp hóa, rồi thành nhà buôn sỉ, rồi tự học để trở thành nhà kinh doanh địa ốc.
Sau vài chục năm, ông Tiềm trở thành người giàu có nhất nhì tại Đà Lạt. Ông là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho quỹ “Tuần lễ vàng” tại Đà Lạt năm 1945. Ông sở hữu nhiều khu phố, khách sạn, vài trăm cơ sở địa ốc tại miền Nam Việt Nam và nước ngoài. Nhiều công trình trong số đó ngày nay vẫn còn tồn tại như những kiến trúc ghi dấu lịch sử thời kỳ đầu phát triển của Đà Lạt.
Tuy giàu có, ông Tiềm không sống vị kỷ, ông quan tâm giúp đỡ nhiều người. Ngày đưa ông về với đất, hàng ngàn người đã đến dự lễ. Đó là một trong những đám tang đông nhất tại Đà Lạt trong nhiều năm.
Trước năm 1975, ông Tiềm là một trong những người đầu tiên ở Đà Lạt đầu tư vào lĩnh vực khách sạn để kinh doanh. Ông là chủ của hàng loạt khách sạn ở Đà Lạt như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào…
Theo những người sống ở Đà Lạt lâu năm thì những khách sạn thuộc loại lâu đời và nổi tiếng nhất ở thành phố này như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào… và dãy phố Duy Tân (nay là đường 3/2) đều từng thuộc về cùng một chủ.
Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi may mắn gặp được cụ Võ Quang Khương (92 tuổi), là cháu gọi ông Võ Quang Tiềm – chủ nhân của khối bất động sản lớn trên – là chú ruột. Thời trẻ, cụ Khương được ông Tiềm cho ăn học, sau làm thầy giáo tại Trường tiểu học Trại Mát (Đà Lạt). Cụ đang sống tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), tuy đã cao tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn.
Doanh nhân… nói ngọng
Theo cụ Khương, ông Tiềm sinh năm 1902 tại làng Ngọc Anh, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, từ nhỏ có tật nói ngọng và thường bị bạn bè chế giễu. Năm 21 tuổi, ông Tiềm vào Đà Lạt lập nghiệp bằng nghề thợ may với cha cụ Khương. Ông Tiềm rất chăm chỉ làm việc, sau 5 năm tích góp được ít tiền quay về Thừa Thiên-Huế cưới vợ, nhưng mang tiếng chàng thợ may nghèo, lại bị ngọng nên sau 2 lần dạm hỏi và phải có sự “can thiệp” của ông nội cô gái, ông Tiềm mới lấy được vợ.
Cưới xong, ông Tiềm đưa vợ vào Đà Lạt tiếp tục nghề thợ may, khiến bên nhà vợ hết sức lo lắng và thương cho cuộc sống con gái mới lấy chồng, phải vào tít vùng núi rừng cao nguyên Lâm Viên, nhưng do quan niệm “xuất giá tòng phu” nên không ai dám ngăn cản.
Ông Tiềm may đẹp, lại luôn giữ chữ tín, hẹn khách ngày nào thử áo, ngày nào nhận áo luôn đúng giờ giấc nên việc may mặc của tiệm ông rất phát triển. Để có thêm thu nhập, bên cạnh nghề may, ông Tiềm còn gùi muối, thực phẩm, rượu, thuốc lá… đến các làng dân tộc ở H.Đơn Dương (Lâm Đồng) bán hoặc trao đổi hàng hóa. Đêm đêm ông tranh thủ may sẵn quần áo đủ kích cỡ, mang bán và đổi cho đồng bào để lấy súc vật, cung tên, gùi, chum chóe…
Cụ Khương cho biết thời đó chưa có xe đò, ông Tiềm phải gùi hàng hóa đi bộ hàng chục cây số đến các buôn làng. Những lúc đổi được nhiều hàng ông phải thuê người mang vác lên Đà Lạt. Các vật dụng của người dân tộc được ông Tiềm bán lại cho người Pháp để trang trí trong các biệt thự, dinh thự và kiếm lời được rất nhiều tiền. Từ đó, ông giao hẳn việc may mặc cho học trò, còn ông chuyển hướng qua buôn bán. Ông mở cửa hiệu buôn bán tạp hóa, đặt mua cả thuốc lá Cẩm Lệ từ Quảng Nam vào bán cho người dân tộc bản địa, họ rất thích.
Nhờ buôn bán uy tín, nên ông Tiềm được người mua cả Việt lẫn Pháp tín nhiệm. Có những lúc hàng nhập về Đà Lạt cả mấy toa xe lửa nên ông Tiềm phải thuê kho, thuê nhà hàng xóm để cất giữ hàng hóa. Cũng nhờ mối quan hệ tốt nên ông Tiềm là người Việt duy nhất ở Đà Lạt được người Pháp cấp môn bài buôn bán thuốc lá và rượu. Thời đó, thuốc lá, thuốc phiện và rượu đều do người Pháp quản lý, được cho là hàng quốc cấm nên chỉ khi được cấp môn bài mới được buôn bán. Ông Tiềm là đại lý lớn ở Đà Lạt bán sỉ lại cho các tiệm bán lẻ trong vùng cao nguyên từ Đà Lạt xuống Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương. Cụ Khương nhớ lại: “Chú tôi là người Việt duy nhất ở Đà Lạt đủ sức cạnh tranh với hàng loạt hiệu buôn của người Tàu, người Ấn. Thậm chí, họ phải cầu cạnh chú tôi chia lại cho họ một ít rượu, thuốc lá…”.
“Thâu tóm” bất động sản
Theo cụ Khương, vì thiếu kho chứa hàng nên ông Tiềm kiếm đất cất nhà, ban đầu chỉ làm kho sau đó cho thuê kiếm lời. Năm 1945, khi Pháp giải giới quân đội Nhật thì dân Đà Lạt bỏ chạy tản cư, ông Tiềm ở lại Đà Lạt và mua nhà của dân chạy loạn với giá rẻ nên ông Tiềm có thêm hàng chục ngôi nhà.
Thời hưng thịnh ở Đà Lạt ông Tiềm có 54 căn phố. Tại D’ran (H.Đơn Dương) ông có dãy phố trên 10 căn mua lại của người Pháp (trước chợ Lạc Nghiệp ngày nay); tại Tùng Nghĩa (Đức Trọng), Di Linh… ông cũng có những dãy phố buôn bán hoặc cho thuê. Ông Tiềm còn có nhà phố ở Sài Gòn. Khi đưa con cái qua Pháp du học, ông Tiềm tậu cả biệt thự ở Paris (Pháp) để… cho thuê, mỗi năm kiếm được 1 triệu franc.
Ngoài ra, ông còn sắm xe hơi Mercedes để đi chơi, sắm xe Peugeot để chở hàng phân phối cho các đại lý trong vùng cao nguyên. Ông còn mang tiền về Huế mua 10 mẫu ruộng “cất dành” mặc dù không biết làm ruộng.
Trước năm 1975, ông Tiềm là một trong những người đầu tiên ở Đà Lạt đầu tư vào lĩnh vực khách sạn để kinh doanh. Ông là chủ của hàng loạt khách sạn ở Đà Lạt như Thanh Thế, Mimoza, Vinh Quang, Thanh Bình, Anh Đào… và chủ của dãy phố Duy Tân (nay là đường 3/2). Sau ngày đất nước thống nhất, các khách sạn này do nhà nước quản lý, ông Tiềm sống trên lầu một căn hộ cạnh khách sạn Anh Đào, sau đó chuyển đến căn hộ số 44 đường 3/2 Đà Lạt (nay là số 24) và qua đời năm 1979.
Theo Thanh Niên Online
Đăng ký tư vấn