Ở… liều gặp lành
Thời “sốt” đất, không ít người sau một đêm bỗng trở thành “đại gia”. Có người trước đó còn chật vật kiếm sống bằng đủ nghề lam lũ, khi nắm tiền tỷ trong tay nhờ “đất hóa thành vàng” là sắm ô-tô và chuyển sang làm dịch vụ du lịch, ăn trắng mặc trơn. Giấc mơ “đổi đời” tưởng chẳng bao giờ đến với mình lại trở thành hiện thực nhờ một cơn sốt có tên “sốt đất”.
Ở khu vực Bình Kỳ, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, một người có lô đất 600m2, giá đất tăng cao, nghe lời một “chuyên gia đất đai” tư vấn, ông chia miếng đất thành nhiều lô và rao bán, thế là thu được khoản tiền lớn.
Một người khác thuộc diện giải tỏa, được cấp 2 lô đất tái định cư trên đường Mai Đăng Chơn. Vừa rồi, ăn Tết Bính Tuất xong, tự dưng có mấy người lui tới hỏi mua rất… chuyên cần. Ông bán cả 2 lô cho người trả cao nhất, 13 tỷ đồng. Có tiền, ông chia bớt cho con gái. Chị này nhanh nhảu chạy đi mua ngay một lô đất và lại trúng tiếp tập 2!
Theo ông N.H, một trong những “chuyên gia đất đai” ở quận Ngũ Hành Sơn, hiện trên địa bàn quận này, “trúng” nhất là các lô đất trên đường Minh Mạng. Hơn 10 năm trước, khi thành phố mở rộng, nâng cấp đường Lê Văn Hiến, một hộ dân được cấp 2 lô đất tái định cư trên đường Minh Mạng. Để hơn chục năm cỏ mọc tràn lan mà chẳng ai dòm ngó tới, thế mà hộ này vừa bán được 15 tỷ đồng, một con số cao ngất ngưởng không ai nghĩ tới.
Ở khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, có hai vợ chồng (đề nghị không nêu tên) được cha mẹ cho miếng đất làm nhà trên đường Trường Sa. Làm xong nhà, khi cả hai có ý định đem “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng để vay tiền đi mua miếng đất khác thì không ít người bàn lui, rằng sao mà liều thế, vay rồi lấy chi trả. Bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn, hai vợ chồng làm theo ý mình.
Từ đó, cứ tháng tháng là cả hai thu gom tiền trả góp cả nợ lẫn lãi cho ngân hàng, anh em gọi đùa là “đóng biêu chết”. Vừa rồi, đất lên giá vùn vụt như diều gặp gió, hai vợ chồng bán được gấp đôi giá mua, trả nợ ngân hàng xong còn được một số tiền kha khá đủ để thực hiện được ước mơ nhất thời của mình.
Nhiều người ở quận Ngũ Hành Sơn “phất” lên nhờ nghề đá mỹ nghệ, giờ là đất. Đi đâu cũng nghe nói đất, đất và đất. Người ta tham khảo giá đất từng ngày từ vùng liên cư liên địa giữa phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và các phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) để không phải bị thua thiệt trong giao dịch, mua bán đất đai. Trong số đó có hai vợ chồng “liều mà gặp lành” nói trên.
Giữ tiền đừng để tiền rơi
Thời buổi tấc đất tấc vàng này, nếu không quan sát “nhiệt độ” của giá đất thì sẽ dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Thanh tra huyện Hòa Vang, có biết một người ở quận Sơn Trà (giấu tên). Ông này có đứa con, vì nghe lời bạn bè rủ rê mà lâm vào cờ bạc, nợ nần đến cả tỷ đồng.
Cứ dăm bữa, mấy “dân anh chị” tay chân xăm trổ tùm lum chạy xe tới quần mấy vòng trước nhà, lớn giọng nói nếu không trả nợ thì hãy coi chừng mấy cái mạng trong nhà. Có tiền sử bệnh cao huyết áp nên ông chịu hết nổi, bèn quyết định bán nhà với giá 3,1 tỷ đồng với ý định trả nợ cho con xong, còn bao nhiêu mang về quê làm căn nhà nhỏ ở tạm qua ngày.
Hôm chồng tiền, giao nhà, người mua nhà của ông bán ngay cho người khác với giá lên đến 5 tỷ đồng. Ông điếng người, ôm ngực ngã quỵ. Người nhà phải đưa ông đi cấp cứu. Ông chưa kịp giữ tiền thì tiền đã rơi theo bệnh.
Giá đất “sốt” chủ yếu ở các vùng dự án trên địa bàn các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… Với huyện Hòa Vang, một cán bộ ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Hòa Vang cho biết, nơi nào càng gần đô thị – nơi đang “sốt” đất – thì đất nơi đó sẽ càng “nóng” hơn, như các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến. Đó là những nơi gần với khu đô thị phía nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Giao dịch về đất đai ở Hòa Vang trong quý 1-2018 tăng 1,5 lần so với cuối quý 4-2017. Cán bộ này phân tích, lượng giao dịch đất tăng một phần do giá đất từ nội thị cao ngất ngưởng, một phần do chính sách tín dụng không còn hấp dẫn nữa nên người dân đổ xô đến các vùng ven thành phố mua đất để làm của để dành, bởi giá đất tại đây “dễ thở” hơn so với các nơi khác.
Người dân Hòa Vang không “trúng” đất, chỉ là đất có cao giá hơn so với trước; tiền thu được từ đất bán giá cao trở thành “bệ phóng” để người dân đầu tư cho con cái học hành, nâng cao mức sống.
Trên địa bàn quận Liên Chiểu, do địa phương này đã “lên phố” từ lâu, nghĩa là người dân không còn ai sở hữu các khu đất rộng để có thể thu được cả chục tỷ đồng nhờ bán đất giá cao. Một cán bộ ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Liên Chiểu cho biết, người dân Liên Chiểu có đất, bán một miếng là có thể mua xe, làm nhà, cưới vợ cho con. Chủ yếu người ta mua bán đất tái định cư chứ đất trong dân thì ít.
Khi được hỏi có ai “đổi đời” nhờ bán đất không, vị cán bộ này cười: “Sốt đất đã diễn ra mấy lần rồi nhưng thực tế chả có được mấy người “đổi đời”. Bởi người biết sử dụng tiền thì có kế hoạch đầu tư dài hạn trong tương lai, số này rất ít.
Còn hầu hết mấy anh lâu ngày quá không thấy tiền, chừ ôm bạc tỷ là mua xe, mua nhà, hoặc dùng vào những việc khác không đẻ ra tiền, thậm chí còn ăn nhậu, chơi bời. Có anh cuối cùng không còn tiền mà sống, thậm chí không còn đất mà ở”.
“Trúng” đất đôi khi hệt như trúng số. Nếu không biết cách sử dụng của “trên trời rơi xuống” thì chẳng mấy chốc tay trắng lại hoàn trắng tay. Đó là chưa kể khi đất cỏ mọc thành đất đắt xắt ra vàng, vợ chồng, cha con, anh em… xảy ra kiện tụng, mâu thuẫn gia đình.
Nói cho cùng, người dân không hưởng lợi gì nhiều khi có “sốt” đất mà lợi chăng là những người đầu cơ, những người buôn đất. Người có đất bán ra giá ban đầu không cao, sau khi qua nhiều tay mua đi bán lại giá mới vọt lên chóng mặt. Và tất nhiên, khó có thể nói người nghèo vùng ven thành phố bỗng chốc trở thành “người giàu” chục tỷ nhờ bán đất…
VĂN THÀNH LÊ
(Theo báo Đà Nẵng)
Đăng ký tư vấn